Ngành TNMT đổi mới, sáng tạo, bứt phá, thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững đất nước

Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021-2025. Bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". Toàn Ngành tài nguyên và môi trường đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời trong phản ứng chính sách để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, toàn Ngành đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; tổ chức lập và triển khai thực hiện các quy hoạch; tiếp tục đề xuất các giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều kết quả nổi bật của Ngành TNMT trong năm 2024

Trong năm 2024, bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành được nhịp nhàng, thông suốt. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao, trong đó nổi bật là:

Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được tập trung thực hiện, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất. Công tác cải cách TTHC được thực hiện mạnh mẽ, thực chất, rút ngắn thời gian thực hiện cả ở Trung ương và địa phương.

Toàn Ngành đã chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường và ý thức bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao.

Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các chiến lược, kế hoạch về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến tình hình khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ứng phó; nhất là cơn bão số 3, có cường độ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn trong nhiều năm trở lại đây.

Thực hiện có hiệu quả phương châm hướng về địa phương, cơ sở để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Tăng cường sự phối hợp, huy động sự vào cuộc, tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong Ngành TN&MT tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục là điểm sáng, nổi bật của Ngành TN&MT, Bộ đã tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương; hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Ngành TN&MT. Trong năm 2024, Bộ đã hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 15 văn bản, gồm: 03 Luật (Luật Đất đai năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, cho phép Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn 05 tháng, kể từ ngày 01/8/2024; Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024); 02 Nghị quyết của Quốc hội về quản lý đất đai; 09 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 36 Thông tư. Tại các địa phương, cơ quan chuyên môn về TN&MT đã tham mưu, trình HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống (Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo thẩm quyền của địa phương). Bộ đã đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để kịp thời tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật mới về TN&MT.

Hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầy đủ 08/08 quy hoạch cấp quốc gia; trong đó có những quy hoạch mang tính chất nền tảng (Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia). Qua đó tạo lập hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Ngoài ra, Bộ đã hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước của Ngành. Bộ đã tích cực, chủ động, khẩn trương tổ chức thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; đơn giản hóa, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, Bộ đã thực hiện phân cấp triệt để, tối đa; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; việc giải quyết TTHC trong lĩnh vực TN&MT cơ bản được thực hiện ở địa phương, Bộ tập trung hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và giải quyết các vấn đề phức tạp, mang tính liên vùng, liên ngành. Đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Chỉ số cải cách hành chính trong lĩnh vực TN&MT ở địa phương tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Bộ đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn; xử lý các yêu cầu về giám định và định giá tài sản phục vụ công tác tố tụng.

Tích cực, chủ động, thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại, tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác, đón đầu các cơ hội từ xu thế phát triển.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Ngành.

Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; Hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước; Phát huy vai trò nguồn lực khoáng sản, đáp ứng nguồn cung về nguyên vật liệu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển.

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây nguy cơ ô nhiễm; triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý biên giới, địa giới; tập trung hiện đại hóa công tác quản lý dữ liệu thông tin địa lý quốc gia.

Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát TN&MT.